Trượt Đại học vì thiếu 0,1 điểm, nữ sinh được an ủi nhờ hành động ấm lòng của người chị
Chúng ta đâu phải chỉ có một cơ hội này, học hành là việc cả đời, thay vì kêu ca, oán trách tại sao không dành thời gian chấn chỉnh lại mọi thứ để tiếp tục chiến đấu vào năm sau.

Cảm giác nuối tiếc, thất vọng trước kết quả của mỗi kỳ thi, đặc biệt nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên "trượt Đại học" còn ngột ngạt hơn áp lực thi cử gấp trăm lần. Thời điểm này, bên cạnh niềm vui mừng, sung sướng của các sĩ tử đỗ đạt, trúng tuyển nguyện vọng 1, 2 thì chẳng ít bạn vì rớt Đại học mà tự giam mình đến trầm cảm, bỏ ăn bỏ uống, thậm chí dằn vặt bản thân mình, tự tin mặc cảm, không vượt qua được sự soi mói, phán xét của người đời.
Cũng dễ hiểu thôi, ai đi thi mà chẳng mong muốn mình đỗ đạt đúng ngành nghề, đúng đam mê, về sau tương lai rộng mở. Với những bạn nỗ lực ôn luyện, đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ thi thì lại càng hy vọng có một kết quả xứng đáng. Nhưng nếu như bạn thiếu chút may mắn, lỡ đánh mất cơ hội, xin đừng quá thất vọng bởi tuổi trẻ cho phép chúng ta vấp ngã, có quyền sai lầm và có quyền làm lại, miễn là bạn không bỏ cuộc.

Ảnh minh hoạ
Mấy ngày nay, trên các diễn đàn học tập, người ta truyền tay nhau một câu chuyện trượt Đại học vì chỉ thiếu 0,2 điểm, nguyên văn bài đăng được chia sẻ như sau:
"Sự thật khi biết điểm Đại học, có người vui người buồn... nhưng chung quy cái cảm giác nhìn các em thiếu 0,1-0,2 nó đau như chính mình là người trong cuộc. Chiều nay tan sở trời mưa lất phất, thấy có một cô bé mắt đỏ hoe thương lắm. Em thiếu 0,2 điểm so với nguyện vọng 1, tiếng nấc rồi lấy tay quẹt nhanh dòng nước mắt mà muốn ôm em vỗ về nhưng không dám... Đang nằm ru bé con thì một bé hát Lễ chung trong Nhà Thờ nhắn tin, tự nhiên lại rớt nước mắt.
Cha mẹ thấu hiểu thì an ủi, cha mẹ xót lòng thì mắng mỏ khiến các em lại càng bế tắc... Ngẫm lại gần 12 năm qua, tấm bằng Đại học ngó qua 2-3 lần còn chẳng nhớ nội dung; bằng Cao học chưa 1 lần ghi vào CV; công việc cần bằng cấp vừa đủ lo cho bé con đi học, còn thu nhập chính lại từ công việc bán buôn những lúc rảnh... Chồng cũng vậy, năm 1998 anh đậu Đại học Ngoại Thương (bạn cùng lớp với ca sĩ Đức Tuấn), đậu cả Bách Khoa và Luật. Thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại anh vẫn chỉ ở vị trí "giai cấp trung lưu" trong khi những người bạn học xong cấp 3 đại đa số thành công nhờ kinh doanh buôn bán.
Đời là thế đấy... cho phép mình buồn và khóc hôm nay thôi; ngày mai hãy đứng dậy và xác định mình sẽ phải làm gì. Bước khởi đầu khi các em sang trang mới trông có vẻ khó khăn, nhưng sau này ra đời đi làm những chuyện thế này chỉ là "muỗi".
Chúc các em mọi điều may mắn, thành công. Thương yêu!"

Những dòng tin nhắn đầy tâm sự của một bạn thí sinh sau khi biết điểm chuẩn
Cuộc sống này còn rất dài, tương lai phía trước cũng rất dài, vậy nên việc không đạt được kết quả như ý trong kỳ thi Đại học sẽ chỉ là một trong số vô vàn khó khăn bạn sẽ gặp phải. Vốn dĩ chuyện so sánh điểm số, so sánh trường ai "xịn" hơn chẳng mang lại ích lợi gì cả, bạn chỉ cần làm tốt những gì bạn đang làm mà thôi.
Đại học có thể là con đường ngắn nhất nhưng chưa bao giờ là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Nếu vì lý do nào đó, bạn chẳng thể hoàn thành tốt kỳ thi Đại học để rồi đạt được kết quả không như mong muốn, xin hãy ghi nhớ những điều này và tiếp tục cố gắng nhé!
Nguồn: Nguyen Yen Nhi