Việt Nam có 10 cây rau cực hiếm người biết mọc dại khắp các vùng quê, nhiều loại thơm ngon đến nỗi được săn tìm với giá siêu đắt
Xuất hiện khắp các vùng quê, những loại rau này đều được xem là “hàng hiếm” ở chốn thành thị vì sở hữu hương vị độc lạ, chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng.
Nhắc tới rau, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loại thực phẩm có mức giá "rẻ bèo" và phổ biến khắp Việt Nam. Tuy vậy, đó chỉ là một số loại thân thuộc như rau muống, xà lách, rau thơm… mà thôi. Trên thực tế, nhiều vùng quê ở nước ta vẫn mọc đầy cây rau kỳ lạ mà không nhiều người thành thị biết đến. Đa phần chúng đều được xem là đặc sản có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng, nhiều loại thậm chí còn được bán với giá không hề rẻ tí nào.
1. Rau dớn
Rau dớn còn được gọi là ráng song quần rau, dớn rừng hay thái quyết, là một loài thực vật có lá trông khá giống với dương xỉ. Chúng mọc nhiều ở các vùng núi rừng, ven bờ sông, suối. Người ta thường hái rau để chế biến thành nhiều món ngon dân dã như rau dớn luộc, rau dớn xào tỏi, canh rau dớn. Không còn là loài cây mọc dại của vùng quê, hiện nay rau dớn đã trở thành món đặc sản có mặt trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng sang trọng, đạt giá trị kinh tế cực kỳ cao.
2. Rau càng cua
Nhắc đến những loại rau mọc dại khắp nơi, không thể nào bỏ qua càng cua. Loại rau này còn có hàng loạt tên gọi khác như: rau tiêu, đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo... Mỗi cây chỉ cao khoảng 20 – 40cm, thân khá nhớt, lá hình trái tim nhọn và có màu xanh trong. Dù mọc dại nhưng rau càng cua lại có giá đắt đỏ ngang hàng với thịt cá, khoảng 70.000 đồng – 110.000 đồng/kg. Sở dĩ mắc như vậy là vì chúng được đánh giá rất có lợi cho sức khoẻ.
Rau càng cua khi dùng có vị hơi chua, thường được dùng để trộn gỏi, xào tỏi hoặc ăn sống
3. Rau bò khai
Rau bò khai còn có rất nhiều tên gọi khác như dây dương, hồng trục, rau ngót leo, rau nghiến, dã hiến, long châu sói... Đây là loại rau xuất hiện nhiều ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, điển hình như Lạng Sơn. Phần ngọn và lá non của cây bò khai thường được sử dụng để luộc, xào tỏi, xào thịt, nấu canh... Khi ăn, chúng có mùi hơi "khai" đúng như tên gọi. Vì vậy trước khi chế biến, người ta thường sẽ phải vò qua lá rau cho bớt mùi.
4. Rau vón vén
Vón vén là loài cây dạng thân leo thường mọc thành bụi, quấn lên các cây khác trong rừng. Người dân vùng cao còn gọi vui nó là cây "vén váy". Lá vón vén có vị chua dịu, thường được người dân tộc Thái vùng Tây Bắc sử dụng để nấu canh, làm gỏi cá hoặc ninh với xương ăn rất thơm ngon.
5. Rau sắng
Rau sắng còn có tên là cây mì chính hay ngót rừng, thường chỉ được tìm thấy trên những vách đá của vùng núi cao phía Bắc. Quá trình thu hái nó cũng hết sức khó khăn, vất vả. Phần lá và chồi non của rau sắng có màu xanh thẫm, rất óng ả, được đánh giá chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khoẻ. Nó thường được dùng nấu canh, luộc hoặc xào, khi ăn có vị thanh ngọt lạ thường. Được biết, loại rau này được bán trên thị trường với giá khá cao, động từ 120.000 đồng – 200.000 đồng/kg tuỳ thời điểm. Đặc biệt, rau sắng chùa Hương nổi tiếng có khi còn lên tới hàng triệu đồng một ký.
6. Rau lủi
Rau lủi còn có tên gọi khác là bầu đất hoặc kim thất, thường mọc hoang dã trong nhiều cánh rừng ở vùng núi Tây Nguyên. Thân cây có sắc tím và lá hình răng cưa, có mùi thơm đặc trưng của thuốc Bắc. Rau lủi có thể chế biến thành nhiều món ngon như xào tỏi, nấu canh với tôm hoặc luộc lên chấm với nước mắm, được đánh giá là rất tốt cho sức khoẻ.
7. Rau xương cá
Rau xương cá còn có tên là rau hến hay phồn lâu, thuộc họ Cẩm chướng, thường mọc dại trong vườn nhà hoặc ở ven sông suối. Đây là loại rau rừng hoang dại được rất nhiều người tin dùng vì tác dụng chữa bệnh cũng như hương vị đặc sắc khi thưởng thức. Rau có vị chua, tính bình và thanh nhiệt, thường được người dân sử dụng trong các món canh, ăn với lẩu hoặc mang đi xào tỏi.
8. Rau thối
Rau thối còn có tên tiếng Thái là pắc nam, là một loại cây dây leo, thân và cành lá có rất nhiều gai nhọn quấn lấy các cây khác trong nhiều cánh rừng ở vùng Tây Bắc. Đúng như cái tên, loại rau này có hương vị khá khó nuốt. Phần chồi non của nó thường được bà con vùng cao chế biến thành nhiều món ngon như nấu canh, xào tỏi, chiên với trứng hoặc làm nộm (gỏi). Dù mọc dại và khá "thối", chúng có giá không hề rẻ tí nào, thường dao động từ 65.000 đồng – 90.000 đồng/kg.
9. Rau đắng cảy
Đây là loại rau dại mọc nhiều trên những cánh rừng và vùng núi phía Bắc, được người dân vùng cao xem là thứ "lộc non" vào mỗi dịp xuân sang. Rau đắng cảy có thân nhỏ, cành khẳng khiu, lá màu xanh ngắt, hái về phải ăn ngay mới ngon và giòn. Đúng như tên gọi, nó có vị đắng nơi đầu lưỡi khi vừa nếm thử, nhưng sau đấy sẽ ngọt dịu, bùi bùi nơi cuống họng khi thưởng thức. Người ta thường dùng rau đắng cảy để chế biến thành các món như: xào trứng gà, luộc chấm với muối vừng, muối lạc, hấp trong nồi cơm hoặc trong ống nứa, lá già thì băm nhỏ để nấu canh.
10. Rau dệu
Rau dệu (hay còn gọi là rệu, diếp bò, diếp không cuống) là loài thực vật có hoa thuộc họ Dền. Chúng thường dài từ 40 – 60cm, mọc dại rất nhiều ven các ao, sông, đầm, hồ hoặc những bãi đất ẩm. Phần lá non của rau dệu có vị ngọt, tính mát, chứa cực nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khoẻ. Chính vì vậy, chúng thường được người dân vùng nông thôn hái để nấu canh ăn giải nhiệt.
Nguồn: Tổng hợp